Giờ làm việc: 7:30-17:30 (Thứ 2 - Thứ 7)

Vật liệu phủ bảo vệ

24/08/2021

Không như quét vôi hay sơn nước thông thường, ngày càng có nhiều sản phẩm giúp “che phủ” thân ngôi nhà được bền vững hơn bằng công nghệ mới. Với gỗ, chất liệu dễ bị “xuống cấp” theo thời gian, nhất là các vật liệu đặt để ngoài trời cũng có những vật liệu sơn chuyên dụng bảo vệ.

Không như quét vôi hay sơn nước thông thường, ngày càng có nhiều sản phẩm giúp “che phủ” thân ngôi nhà được bền vững hơn bằng công nghệ mới. Với gỗ, chất liệu dễ bị “xuống cấp” theo thời gian, nhất là các vật liệu đặt để ngoài trời cũng có những vật liệu sơn chuyên dụng bảo vệ.

Công nghệ nano trong sản xuất sơn nước

Các nhà khoa học đều cho rằng công nghệ nano là công nghệ sẽ làm thay đổi thế giới vật liệu trong thế kỷ 21 này. Cho đến nay, công nghệ nano được ứng dụng khá phổ biến ở các nước phát triển; ở Việt Nam, công nghệ nano thường được ứng dụng bởi phần lớn các công ty đa quốc gia. Nano là công nghệ làm biến đổi hình thái, cấu tạo của các hạt phân tử nhỏ ở mức độ nanomet (nhỏ đến 1 phần tỉ mét), để tạo ra những tính năng ưu việt cho vật liệu.

Trong ngành sản xuất sơn ở Việt Nam, nhiều loại sơn đã tạo được bước đột phá khi áp dụng công nghệ nano để sản xuất cho những dòng sơn cao cấp. Theo ông Lê Việt Hùng, phụ trách tiếp thị sơn Toa, chẳng hạn, sơn ngoại thất NanoShield và sơn nội thất NanoClean, ngoài việc áp dụng công nghệ nano, “Toa còn ứng dụng công nghệ Hybrid Nano – hay công nghệ nano kết hợp để tạo ra những tính năng cao hơn cho sản phẩm”. Cụ thể, sơn ngoại thất có chứa các hạt phân tử silicon cực nhỏ kháng nước, giúp bề mặt sơn chống thấm tốt, đồng thời chứa hạt Fluoro Carbon tạo bề mặt trơn láng, chống bám bẩn. Việc liên kết hoá học giữa các hạt phân tử này sẽ tạo cho bề mặt sơn sự bền bỉ, rắn chắc; ngôi nhà khô thoáng, sạch nấm mốc, sạch bụi. Còn sơn nội thất thì sử dụng hai loại hạt nano là nano Fluoro Carbon và nano Silver, vừa có khả năng chống bám bẩn, dễ lau chùi, vừa đem lại khả năng kháng khuẩn; thích hợp cho phòng ăn, phòng ngủ, phòng trẻ, nhà hàng, khách sạn... những nơi có nhu cầu vệ sinh cao. Những dòng sơn cao cấp của các hãng thường có các chứng chỉ chứng nhận từ các Viện kiểm định của các nước.

Hệ sơn chuyên dụng cho gỗ

Sơn cho gỗ có hai hệ bảo vệ gỗ ngoài trời và nội thất bằng sơn tổng hợp hai thành phần PU. Thành phần chính gồm nhựa, dung môi, phụ gia và chất đóng rắn. Cơ chế tạo màng của PU bằng cách phản ứng hoá học giữa hai thành phần trên. Sơn PU có độ cứng cao, kháng được dung môi và có độ bóng, trong suốt cao; nhờ đó vân hay mày gỗ vẫn giữ được nguyên nét tự nhiên của vật liệu gỗ nguyên thuỷ. Thông thường khi ứng dụng lớp sơn phủ hoàn thiện nào thì lớp sơn lót cũng cùng chất liệu như sơn phủ. Hoặc khi dùng sơn phủ PU cũng có thể dùng lớp sơn lót UV – loại sơn tổng hợp gồm nhựa, dung môi, phụ gia và có cơ chế tạo màng bằng phản ứng nhờ tia UV để làm khô màng sơn.

Do lượng dung môi chiếm trong hỗn hợp sơn gỗ trên 50% trong tổng cộng hổn hợp phun cho nên nó chiếm một vị trí quan trọng cho chất lượng và độ bền của sản phẩm. Cô Nguyễn Trần Phúc Hậu công ty Oseven cho biết, dung môi quan trọng vì nó hoà tan tất cả các thành phần trong sơn thành một khối thống nhất; “và để được bề mặt sơn đẹp, bền cần có năm điều kiện là chất lượng sơn, công thức pha chế – quy trình, kỹ thuật sơn, thiết bị sơn chuẩn và môi trường khi sơn”.