Sơn công nghiệp cho gỗ
Việc sử dụng các loại sơn công nghiệp cho gỗ không chỉ tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo mà còn bảo vệ vật liệu trước những tác động xấu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và kết cấu từ môi trường bên ngoài. Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về dòng sản phẩm sơn công nghiệp cho gỗ ngay sau đây.
1. Sơn công nghiệp cho gỗ là gì?
Sơn công nghiệp cho gỗ là dòng sản phẩm sơn mang tính thẩm mỹ cao, với lớp màng sơn có thể bảo vệ được kết cấu gỗ trước những tác động từ môi trường như nước xâm nhập, mối mọt gây hư hỏng... Dòng sơn công nghiệp cho gỗ thường rất đa dạng về màu sắc, chủng loại để có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Những lý do mà bạn nên lựa chọn sơn công nghiệp cho gỗ phải kể đến:
- Màu gỗ tự nhiên thường khá đơn điệu, không phù hợp với nhiều không gian nội thất. Nên bạn có thể sử dụng sơn màu gỗ công nghiệp sơn lên bề mặt tạo màu sắc theo ý thích của bản thân.
- Gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp đều không tránh bị phá hoại kết cấu bởi các tác nhân như nấm mốc, nước, mối mọt, va đập. Sử dụng sơn công nghiệp không chỉ tăng sức chống chịu của bề mặt mà còn giữ cho kết cấu của gỗ luôn được bền đẹp trong quá trình sử dụng, tăng tuổi thọ cho công trình.
Sơn công nghiệp cho gỗ được sử dụng phổ biến để tăng tính thẩm mỹ cho đồ nội thất
2. Các loại sơn công nghiệp cho gỗ phổ biến hiện nay
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sơn công nghiệp cho gỗ, bạn có thể dựa vào chất liệu gỗ cũng như công năng sử dụng để chọn được loại sơn phù hợp.
2.1 Sơn PU
Sơn công nghiệp PU là loại sơn dầu gốc Polyurethane tạo thành bởi phản ứng giữa chất acrylic và isocyanate. Với màng sơn bóng khỏe, sơn công nghiệp PU có khả năng bảo vệ vững chắc trên các loại vật liệu như gỗ, bê tông, tường đứng.
Dòng sơn công nghiệp cho gỗ PU có nhiều ưu điểm vượt trội:
- Sơn có độ bóng cao đem đến bề mặt vật liệu luôn sáng, sạch, dễ dàng lau chùi do bụi bẩn, hạn chế xảy ra hiện tượng mối mọt, nấm mốc.
- Độ bền của sơn PU cũng được đánh giá cao nhờ khả năng chống sự xâm nhập từ môi trường bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm, nước, hóa chất gây ảnh hưởng đến kết cấu gỗ.
- Sơn công nghiệp PU có độ bám dính tốt trên bề mặt vật liệu gỗ, điều này khiến cho lớp sơn luôn bền vững theo thời gian sử dụng, không lo bong tróc hay phai màu.
- Sơn công nghiệp PU có khả năng chống chịu cao, bảo vệ bề mặt vật liệu không bị bong tróc, trầy xước trước các va đập.
- Sơn công nghiệp PU an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường, không gây mùi khó chịu hay độc hại.
Tuy nhiên sơn công nghiệp PU thường có giá thành khá cao nên khách hàng nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.
2.2 Sơn Vinyl
Sơn Vinyl là loại sơn công nghiệp một thành phần dùng được cho các bề mặt vật liệu như gỗ, kim loại. Sơn Vinyl có lớp màng sơn cứng, bền và thường được sử dụng như một lớp sơn lót, có khả năng tạo lớp nền vững chắc cho lớp sơn tiếp theo để bảo vệ tối ưu bề mặt và kết cấu của vật liệu.
Sơn Vinyl được sử dụng khá nhiều trên vật liệu gỗ bởi những lý do sau:
- Sơn nhanh khô, giúp tiết kiệm thời gian thi công.
- Sơn có khả năng bám dính tốt với vật liệu gỗ, tạo nên lớp bảo vệ hoàn hảo chống ố vàng, bụi bẩn, mối mọt, tránh gây ra tình trạng kết cấu gỗ bị phá hoại.
- Sơn có khả năng chống tia tử ngoại, không bay khi gặp ánh sáng mặt trời, nên được sử dụng trên đồ gỗ nội thất và ngoại thất.
Sơn công nghiệp Vinyl là loại sơn bóng, không có màu, nên nó thiên về chức năng bảo vệ kết cấu hơn là thẩm mỹ. Khách hàng nên dùng sơn Vinyl làm lớp lót rồi tạo lớp sơn màu khác lên nếu có nhu cầu.
2.3 Sơn NC
Sơn công nghiệp NC là loại sơn công nghiệp tổng hợp, thường sử dụng cho đồ gỗ nội thất. Lớp màng sơn của sơn NC mỏng, nhẹ nhưng độ dính bám chắc, duy trì được trạng thái kết cấu gỗ được lâu dài.
Ưu điểm của dòng sơn công nghiệp cho gỗ NC là:
- Sơn có màu sắc phong phú đa dạng, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng.
- Sơn NC có độ dính bám với bề mặt vật liệu tốt, có độ bền uốn tốt, sử dụng được trên các bề mặt vật liệu gỗ có hình thức đa dạng.
- Sơn công nghiệp NC có hàm lượng rắn cao, có thể trực tiếp quét lên gỗ mà không cần công thức hay các bước pha sơn.
- Sơn NC không độc hại, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường, có thể sử dụng sơn đồ chơi cho trẻ em vì có độ an toàn cao.
Tuy nhiên sơn công nghiệp NC có độ cứng khá thấp, khó bảo vệ được bề mặt vật liệu khỏi những va đập mạnh. Hơn nữa sơn công nghiệp NC dễ bị bay màu khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên sơn thường được sử dụng trên bề mặt đồ gỗ nội thất.
2.4 Sơn dầu
Đây là loại sơn công nghiệp gốc dầu với thành phần chính là loại nhựa chống gỉ alkyd. Loại hợp chất này có nguồn gốc từ thiên nhiên và có độ bám dính với bề mặt vật liệu gỗ vô cùng cao. Sơn dầu công nghiệp tồn tại ở dạng lỏng sệt với lớp màng sơn có độ bóng bền đẹp, chống bụi bẩn tốt.
Loại sơn dầu công nghiệp thường được sử dụng nhiều với bề mặt vật liệu bằng gỗ bởi nhiều ưu điểm vượt trội như:
- Độ cứng của sơn dầu công nghiệp cao, có thể bảo vệ gỗ khỏi những chấn động va đập mà không làm lớp sơn bị trầy xước hoặc biến dạng.
- Sơn có độ bóng cao nên dễ dàng lau chùi bụi bẩn, ít xảy ra hiện tượng bám bụi dẫn đến gỗ được bảo vệ khỏi tình trạng nấm mốc.
- Sơn có khả năng bám dính bề mặt vật liệu tốt kể cả ở những công trình ngoài trời, không lo đến tình trạng bay màu hoặc phai màu sơn
- Dễ dàng sử dụng với lớp sơn khô nhanh trong quá trình thi công.
Sơn dầu công nghiệp khuyến khích nên sử dụng khi có đầy đủ đồ bảo hộ và dụng cụ lao động vì sơn chứa khá nhiều chất độc hại có thể dẫn đến tình trạng chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu cho thợ thi công và không thân thiện với môi trường.
2.5 Sơn Vecni
Sơn Vecni có thể coi là một loại sơn công nghiệp truyền thống sử dụng cho vật liệu gỗ từ trước đến nay. Sơn Vecni là dòng sơn phổ biến và lâu đời nhất dành cho vật liệu gỗ trước khi những dòng sơn như PU, NC ra đời. Sơn Vecni hiện nay vẫn được sử dụng phổ biến trên bề mặt gỗ tự nhiên với những ưu điểm sau:
- Giá thành của sơn Vecni rẻ hơn các loại sơn công nghiệp khác nên thường được các hộ gia đình mua về để sử dụng.
- Tạo độ bóng tốt cho bề mặt, đưa đến khả năng chống bám bụi cao, dễ dàng vệ sinh lau chùi.
- Sơn không làm mất đi vẻ tự nhiên của gỗ mà chỉ tăng độ sáng bóng và nhẵn mịn để tăng tính thẩm mỹ cho vật liệu.
Hiện nay, khi những dòng sơn công nghiệp mới ra đời thì sơn Vecni bộc lộ nhiều nhược điểm hơn khiến tính ứng dụng trong công nghiệp của sơn giảm hẳn:
- Màu sắc không phong phú, đa dạng như các dòng sơn công nghiệp mới vì sơn Vecni chú trọng đến việc giữ vẻ đẹp tự nhiên cho vật liệu gỗ nên không phát triển về màu sắc.
- Sơn khá nhanh bay màu kể cả trong môi trường không có ánh nắng mặt trời.
- Quy trình đánh sơn Vecni cho gỗ khá phức tạp, cần nhiều kỹ thuật và tốn khá nhiều thời gian.
Có thể thấy mỗi dòng sơn công nghiệp cho vật liệu gỗ đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Sự phát triển của những dòng sơn này là để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau, phù hợp với mỗi loại công trình.