Giờ làm việc: 7:30-17:30 (Thứ 2 - Thứ 7)

Các lỗi khi sơn dầu mờ và cách khắc phục

23/08/2021

Bất kể là thợ sơn chuyên nghiệp hay thợ sơn mới vào nghề, quá trình thực hiện sơn dầu mờ cho công trình hay bề mặt vật liệu đều gặp phải một số lỗi. Nếu bạn chưa biết cách pha chế và quy trình sơn dầu mờ, có thể tham khảo thông tin bài viết này để phòng tránh một số lỗi sau đây để thực hiện cho đúng và hiệu quả.


Ảnh minh họa.

1. Bề mặt sơn nổi hột, nổi bong bóng li ti

Đây là lỗi cơ bản thường gặp nhất trong quá trình thi công sơn dầu mờ. Sự xuất hiện của những bong bóng li ti trên bề mặt sau khi sơn là do tỷ lệ pha sơn không đúng quy định khiến màng sơn khô quá nhanh hoặc súng phun sơn phun với số lượng lớn, gây nổi bọt bề mặt. Chính vì vậy, bạn cần đảm bảo pha loãng sơn dầu mờ theo đúng tỷ lệ của nhà sản xuất, đồng thời nếu sử dụng súng phun sơn thì lưu ý đến việc kiểm soát lượng sơn mà súng phun ra. 

2. Bề mặt sơn bị sần sùi như vỏ quả cam

Gọi là sơn dầu nhưng sau khi sơn xong, bề mặt sơn không căng mịn, sáng bóng mà lại xuất hiện những vết lồi lõm chi chít như trên vỏ quả cam. Nguyên nhân là do bạn không xử lý bề mặt cần sơn một cách cẩn thận, vẫn còn bị bám bụi bẩn, dầu mỡ, sáp… Bên cạnh đó, nhiệt độ phòng quá cao khiến dung môi trong sơn bị bay hơi nhanh, từ đo màng sơn tan không đều mà vón cục lại. Vì vậy mà trong các yêu cầu kỹ thuật sơn, việc xử lý bề mặt cũng như đảm bảo nhiệt độ là rất quan trọng. 

3. Màng sơn bị mốc như bụi phấn

Sau khi sơn xong, bạn không cảm nhận được sự sáng bóng, mịn màng và láng đẹp, mà ngược lại khi sờ tay vào cảm giác như màng sơn bị mốc, bám bụi. Đó là do bạn sử dụng phải sơn dầu mờ kém chất lượng, không chứa thành phần ngậm nước trong dung môi, khi sơn lên bề mặt thì xăng bay đi nhưng lại không ngậm nước, tạo hiện tượng “mốc meo” trên màng sơn. Vì vậy, việc lựa sơn chính hãng của các thương hiệu uy tín là tối quan trọng để đảm bảo mang đến hiệu quả công việc cao.

4. Xuất hiện vệt sơn theo từng đường súng sơn

Sau khi sơn khô ráo, trên bề mặt vừa sơn xuất hiện những vệt sáng, vệt tối theo đường súng sơn trông rất mất thẩm mỹ. Điều này có thể do thao tác với súng sơn không đúng, không đều, có sự “chồng chất” giữa những đường sơn (hay bắt gặp ở những thợ sơn mới vào nghề). Hay nhiệt độ phòng sơn cao khiến dung môi bay hơi nhanh, tạo sự chênh lệch giữa đường sơn trước và đường sơn sau cũng là một nguyên nhân. Và giải pháp lúc này cho bạn là nên thay thế bằng loại sơn dầu mờ có dung môi bay chậm.

5. Sơn bị nổi rộp, bong tróc sau khi khô

Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này, có thể là do bề mặt sơn không được xử lý, xả nhám trước khi sơn, khiến lớp sơn không thể bám dính chắc vào bề mặt do bị bám bụi bẩn, dầu nhờn… khi khô sẽ bị bong tróc. Nguyên nhân tiếp theo là có xả nhám, nhưng lại để quá 48 giờ rồi mới tiến hành sơn. Và cũng đừng quên lưu ý đến việc pha các loại tinh màu vào trong sơn quá nhiều có thể làm giảm hàm lượng đóng rắn trong hỗn hợp làm cho màng sơn bị tróc khi đã khô. Do đó, mọi công đoạn và thao tác nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để có thể đảm bảo thi công nhanh gọn, dễ dàng và hiệu quả.

6. Sơn lâu khô, thậm chí là không khô

Bất cứ dòng sơn nào cũng có thời gian khô tối đa là 2 giờ. Nhưng nếu sau khoảng thời gian này, sờ tay vào mà vẫn cảm nhận được màng sơn mềm, dẻo, dính thì bạn đã gặp hiện tượng sơn lâu khô, không khô. Có thể trong lúc pha sơn, bạn đã pha nhầm chất đóng rắn của dòng sơn này với dòng sơn kia, hoặc dung môi pha sơn có chứa nước, khi sơn dung môi bay hơi nhưng nước vẫn còn ở lại trên bề mặt, khiến màng sơn không khô được. Hay thi công sơn trong điều kiện trời râm, nhiệt độ thấp cũng khiến sơn lâu khô. Vì vậy chúng tôi luôn khuyên bạn nên thi công sơn trong điều kiện thời tiết nắng ráo để đảm bảo thời gian sơn khô tốt nhất.

Quá trình thi công sơn chưa bao giờ là đơn giản, nhất là khi sơn hoàn thiện để mang đến một bề mặt vừa thẩm mỹ, vừa chất lượng. Chính vì vậy, việc sử dụng những dịch vụ thi công chuyên nghiệp là cần thiết để mang đến sự an tâm, hài lòng tuyệt đối, đồng thời giúp bạn tiết kiệm được thời gian và công sức.